Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020


Nó càng cổ ra cãi: "Em không cố gắng để đi tu. Em chỉ nghĩ rằng tất cả mọi sự em có cũng chỉ là tro bụi. Học hành, tài trí, tiền của...rồi nay mai cũng sẽ hết, chẳng còn lại gì."

Với tôi, nó vẫn là một người vô cùng khó hiểu hơn ai hết. Cũng đúng thôi, vì có ai hiểu chính bản thân mình đâu, nói gì đến chuyện hiểu người khác. Nhưng nó là người mang đến cho tôi thật nhiều suy nghĩ về đời tu của mình. Nó lang thang khắp nơi, khắp chốn, vượt qua mọi gian nan, thử thách, và nỗi giằng co của tâm hồn để chạy đi tìm cho bằng được hạnh phúc đích thực của mình. Người ta cứ nói: Những người như thế chẳng tồn tại lâu ở một chỗ nào cả, chẳng bằng lòng với những gì mình có. Còn tôi, tôi trân trọng quan điểm và lý tưởng của nó. Tôi hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ bù đắp và yêu thương nó bằng phương thế riêng của Người. 

Tôi, một đứa vừa ngu vừa dốt lại thích hoạt động, bay nhảy, mong ước đem những gì mình có để phục vụ mọi người. Nó, thông minh, giỏi giang, lại xinh xắn, nhưng đem tất cả những thứ đó giấu kín trong đan viện để chỉ nghĩ tới Chúa, và trò chuyện với Chúa. Cầu chúc cho TÔI và NÓ, dù đi trên con đường riêng...vẫn luôn nhớ cầu nguyện cho nhau sống đẹp như Ý Chúa muốn.

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

NƠI TÔI TÌM VỀ




Ngay từ giữa thế kỷ XVI, mảnh đất Việt Nam đã bắt đầu có mặt các tu sĩ, dòng tu từ nước ngoài đến khai mở con đường truyền đạo. Song song với việc rao giảng Tin Mừng, ánh lửa đời thánh hiến trong Giáo hội Việt Nam cũng được nhen nhúm từ đó. Tất cả đều nhờ những gian lao, hy sinh, tâm huyết, và tình yêu thương của nhiều đấng bậc tiên phong. Tính đến thời điểm hiện tại, con số ơn gọi nơi đây rất dồi dào, phong phú, đa dạng, phát triển mạnh về cơ sở và nhân sự. Mỗi hội dòng, tu hội được thành lập theo một đặc sủng riêng: Các ẩn sĩ, đời đan tu cộng đoàn, các kinh sĩ sống chung, các dòng hành khất, các tu đoàn tông đồ…Dù khác biệt nhưng gắn kết với nhau trong công trình duy nhất của chính Thiên Chúa. Trải dài theo dòng lịch sử thăng trầm, lối sống ấy tựa trăm hoa đua nở làm tươi trẻ Hội Thánh, đáp ứng những nhu cầu thời đại. Bên cạnh đó, nó cũng mặc lấy bao vấn đề nhiêu khê khiến người ta phải suy nghĩ. Câu chuyện về những tu hội, dòng tu, con người trong ơn gọi sống đời thánh hiến không chỉ được viết đi viết lại trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, nhưng nó còn được viết tiếp trên những trang giấy của đời thường hiện tại và cách riêng, trong tâm hồn tôi. Qua đó, tôi xin gửi đôi chút tâm tư, suy nghĩ của mình về tu hội, về những người tôi cùng chung sống và về bản thân tôi - một tu sĩ. 

Tu hội của tôi được khai sinh từ một Giáo phận thuộc miền Bắc - nơi mà cả bề dày lịch sử tôn giáo lẫn con người sống đức tin khá khiêm tốn; nơi mà các dòng tu, tu hội kém phát triển. Có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan làm cho tu hội tôi còn non trẻ về mọi mặt, và từng bị định kiến là “Tu hội không ra tu hội, dòng không ra dòng” trong nhãn quan của người miền Bắc: nguồn nhân lực của tu hội vẫn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu; hệ thống tổ chức chưa rõ ràng và quy củ. Nhà tôi cũng chẳng có áo dòng, không có bề nổi các hoạt động giáo xứ, vật chất kinh tế chưa ổn định, nhất là bị người ta đồng hóa với một số tu hội trước đây về những điều không hay, trong khi các nhà dòng khác thì tương đối ổn định, nề nếp và sống động hơn cả. Vì thế, ơn gọi của nhà tôi rất ít. Thậm chí, mới nghe nói thôi, đa số các linh mục trong giáo phận cho rằng tu hội tôi không có tương lai, không muốn gửi con em mình vào đó. Dẫu biết rằng chiếc áo dòng chẳng làm nên đời tu, mà sao các cha cũng sính thay cho tư tưởng con cái mình phải mặc bộ váy đẹp, chiếc lúp gọn gàng, ăn học đàng hoàng mới thực sự là tu sĩ. 

Người Cha đỡ đầu của tôi là một trong số những người đặt nặng tư tưởng đó. Điều này thể hiện khá rõ mỗi lần tôi về phép, người tìm cách hướng tôi đi theo ơn gọi mới vì lo cho tương lai của tôi, vì nghĩ rằng ở tu hội hay xảy ra nhiều chuyện. Cung cách người đối xử giữa tôi với cô em gái họ (đi tu dòng) khác một trời một vực, giống như sự phân biệt đối xử với hai trường phái giữa tu hội đời và tu dòng. So với cô em, chẳng mấy khi người hỏi và chia sẻ giúp tôi vững mạnh về đời sống thiêng liêng, dù một năm vỏn vẹn 2 lần tôi gọi điện hỏi thăm người, vậy mà chưa bao giờ cuộc nói chuyện trọn vẹn nổi 3 phút. Mỗi thánh lễ lớn của nhà tôi mời, người cũng không đi dự. Người làm tôi thấy mình nên như một gánh nặng, một đứa chỉ biết làm phiền, cần người trợ giúp về vật chất hơn là những vấn đề tâm linh. Có đứa bảo tôi “Tại vì mày không giỏi, mày không khéo như con em nên cha không quan tâm là phải”. Tôi chỉ biết đáp lại bằng cách cười cho đi, mà thấy lòng mình đau lắm. Đó là sự thật, sự thật thì dễ mất lòng, và tôi đón nhận sự thật, sống với sự thật này. Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu giữa tu hội đời và tu dòng có gì khác nhau khiến người ta ác cảm với nhà tôi đến thế? Chẳng phải cả hai đều có chung một căn tính cốt lõi là sống và làm chứng nhân cho Thiên Chúa giữa cuộc đời hay sao? 

Tôi tiếp tục bước đi trong ơn gọi của tu hội, tôi cứ tưởng niềm tin tôi mạnh mẽ vô cùng, nhưng điều đó không như tôi nghĩ. Thiên chúa luôn muốn con người chờ đợi Ngài, tin tưởng vào Ngài cho dù họ không thấy tương lai, còn tôi tin vào Ngài đó, nhưng vẫn thấy hoài nghi, lo lắng về tương lai của tu hội. Tôi sợ một ngày nào đó nó bị giải thể, tôi sợ mọi người nhìn tôi mà khinh chê. Một niềm tin mâu thuẫn giữa con tim và khối óc vì tôi luôn chuẩn bị trước, tính toán trước con đường đi thay Chúa mỗi khi nghĩ đến điều không tốt đẹp xảy ra với tu hội của tôi. Tôi mạnh mẽ, can đảm là vậy nhưng “con sâu xéo lắm cũng quằn”, chính tôi bắt đầu cảm thấy ngại ngùng, tự ti, mặc cảm với những nữ tu vừa đẹp, vừa giỏi và lúc nào cũng súng sính với bộ trang phục dòng mỗi khi tham dự các dịp lễ lớn của giáo phận. Cùng là con Chúa, cùng một ơn gọi mà tôi không dám tự tin đi thẳng trước mọi người. Tôi một phần cảm phục, một phần ganh tị với họ, phần khác lại mặc cảm với mình, bởi so với nhà tôi, họ được các cha và giáo dân trọng vọng gấp nhiều. Tôi ghét tu hội, ghét những đường lối, lề luật trong nhà, ghét cả những người có trách nhiệm và đồng hành với tôi trong suốt thời gian qua. Tôi tính toán, so sánh được mất hơn thua giữa tu hội với các nhà dòng: Trong khi nhà tôi là tu hội mà không được dùng điện thoại, không được thường xuyên đi chơi, không được mặc những màu áo mình yêu thích, lại khuyến khích ẩn mình trong sự khiêm tốn. Còn họ là nhà dòng, luật lệ nghiêm ngặt mà vẫn được dùng điện thoại, được mặc những màu áo họ yêu thích, được các bề trên giúp phát triển tài năng của mình. Đã có khoảng thời gian tôi chịu đựng không nổi bởi thứ áp lực tồi tệ ấy, trong tôi nảy ra ý định tự giải thoát cho chính mình bằng cách chuyển sang một ơn gọi mới, một nhà dòng có tương lai cho tôi, một nhà dòng nổi tiếng là tri thức và vận những bộ váy thật đẹp, thật sang hay đi đến một nơi nào đó chẳng ai biết. Nơi đó tôi tự do với cuộc sống của mình, không bị lệ thuộc vào những dè bỉu của miệng lưỡi người đời. Suy xét trên bình diện tâm lý, đó là những tháng ngày tôi sống cho định kiến của người khác, trở thành người của dư luận; cũng đồng nghĩa với việc tôi không còn là chính mình, không nhận ra giá trị của mình trong xã hội và cộng đoàn nơi tôi sống nữa. 

Thế rồi, khi chứng kiến những gian nan, thử thách tu hội phải gồng mình gánh vác, tôi thấy mình là đứa sống vô ơn. Tôi lớn lên bình an khỏe mạnh nhờ có tu hội, kiến thức tôi lãnh hội được nhiều cũng nhờ có tu hội. Tôi là một đứa con trong tu hội vậy mà chẳng bao giờ tôi chịu suy nghĩ đến người khác, nhất là những chị em sớm hôm vất vả chút từng bát mủ cao su, hay nhặt từng chùm tiêu rụng dể lấy tiền nuôi tôi ăn học; lúc tôi ốm đau thì họ thay nhau săn sóc. Qua tu hội, tôi được gặp gỡ biết bao người tốt lành, yêu thương tôi, góp phần làm cho đời sống tôi thêm tươi sáng cả về mặt thể chất, thiêng liêng, đạo đức và tri thức. Trên thế gian này, không đứa con nào lại ghét người mẹ đã sinh ra nó cho dù mẹ đó là người có bao nhiêu điểm yếu, hạn chế. Còn tôi, giống như đứa trẻ thiếu suy nghĩ, bồng bột, chỉ biết đòi mẹ cho thứ này thứ kia, nhiều lúc còn tức giận, hằn học với sự thiếu thốn của mẹ trước những đòi hỏi của mình, mà không hiểu tất cả những gì mẹ suy nghĩ và làm đều vì yêu nó, muốn tốt cho nó. 

Nhà tôi đã phải trải qua từng đợt khủng hoảng lớn về thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu thốn nguồn nhân lực hay là sự đụng chạm liên miên trong đời sống cộng đoàn, đời sống tình cảm, tất cả những điều mà không một cộng đoàn tu trì nào thoát khỏi. Nhất là khi con số tu sĩ gần 100 người, mà bây giờ chỉ còn lại khoảng 30 người. Có nhiều lý do khiến mỗi người tự chọn con đường riêng và chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, trong số những lý do đó cũng có nhiều lý do từ phía đường hướng và tương lai của tu hội không đáp ứng được nhu cầu thiết thực của các thành viên, khiến họ không thể tiếp tục bước theo con đường ban đầu cách trọn vẹn nữa. Dẫu vậy, tu hội vẫn tồn tại được cho tới ngày nay là nhờ bởi những con người đã kiên trì trung thành sống trong ân nghĩa Chúa, nhất là các vị có trách nhiệm với tôi. 

Tôi biết mình đã sai vì từng thất vọng và chán ghét các bề trên rất nhiều. Có đôi khi họ không suy xét cho kĩ, mới chỉ nghe người khác nói lại là đã hình thành cho tôi một bản án chất đầy sự yên trí. Cuộc sống thỉnh thoảng cho tôi gặp phải va vấp, hiểu lầm của bề trên như thế khiến tôi coi những nhà đào tạo giống chú “công an” hay vị “thẩm phán” khó ưa hơn là một người bạn đồng hành thiêng liêng. Tôi nuôi trong mình những tư tưởng đó cho tới một ngày mình được làm trưởng nhóm của lớp học viện, tôi mới thấy xấu hổ cho những suy nghĩ của mình trước đây về các vị. Chỉ là trưởng lớp thôi mà bao nhiêu chuyện xảy ra, thậm chí tôi chỉ muốn đâm đầu vào cột chết hoặc thoái thác bổn phận cho ai đó có bản lĩnh, khôn ngoan hơn để khỏi phải gánh vác những việc đâu đâu của nhà dòng, của chị em. Làm bề trên không dễ dàng, dễ dãi chút nào. Họ đau đầu khi phải tính toán, thương lượng làm sao trước tình trạng không êm ấm giữa chị em; làm sao để giúp người ta hòa giải; làm sao để sắp đặt công việc cho mỗi người mà họ cảm thấy thích hợp và dễ đón nhận nhất; làm sao để quán xuyến mọi việc trong nhà tốt những khi đi vắng dài kỳ; làm sao có thể góp ý khi người ta lớn tuổi hơn mình, cho rằng mình không đủ kinh nghiệm và hiểu biết để lo lắng tốt như họ muốn. Tôi cảm thông, hiểu được những mệt mỏi, ưu tư trăn trở mà các vị bề trên vì Chúa mà gánh vác trách nhiệm, đón nhận cả cuộc sống và con người chị em. 
                                    

Trên thực tế, đời tu trong cộng đoàn là những thách đố khiến cho một người tu sĩ phải hy sinh và chiến đấu rất nhiều mới cảm nhận được vẻ đẹp, hạnh phúc trong đời sống ấy. Những khác biệt về bối cảnh, văn hoá, suy nghĩ, lối sống, quan điểm đến từ môi trường, gia đình, bẩm sinh, tập thể, ít nhiều cũng sẽ gây ra những xung khắc hay trục trặc giữa con người với nhau, dễ nảy sinh hận thù, ghanh ghét, so sánh, ỷ lại, bè phái, yêu thương lệch lạc. Hẳn nhiên, chỉ những ai chiến thắng trong cuộc chiến đó thì mới chân nhận được ơn gọi cao quý này. Tôi tự hào mình là người trí thức, nhưng cái trí thức của tôi chưa bao giờ hoàn hảo, vì cũng có lúc trí thức của tôi bị sai, bị nhầm và bị mù vì có lúc “mình không biết cái mà mình không biết” hay “mình cứ tưởng mình hiểu rất rõ một thứ nhưng thực ra mình chẳng hiểu gì cả hay hiểu một cách lệch lạc”. Trí thức ấy cho tôi tự phụ trước chị em trong cộng đoàn; cho tôi khó chấp nhận điểm yếu nơi họ; cho tôi làm một người thuộc phái Pharisêu chính hãng “tuân giữ nghiệm ngặt mọi đường hướng, lề luật” của tu hội, nhưng phá vỡ mối tương quan cần có để đến với tha nhân và vùi dập sự trưởng thành nhân bản trong chính mình. Vì chẳng khi nào tôi bàn tay lên trái tim mình cầu nguyện cùng Chúa cho anh chị em; ít khi nào một người trong cộng đoàn tôi đau khổ mà tôi đi đến để an ủi và sẻ chia; tôi chưa từng đi bước trước để xin lỗi người anh chị em hay làm hòa nếu như mình mâu thuẫn với họ. Vô tình, tôi đánh mất đức ái, tình yêu, tôi tưởng mình đứng vững hơn người khác, thì lại là lúc tôi bị chê trách, bị thử thách và hiểu lầm. Sự mệt mỏi, sa ngã bao trùm lên tôi, khiến tôi lê lết trong cuộc sống. Tất cả việc đó nhằm đánh ngã sự tự tôn của tôi. Phải, bao lâu sự tự tôn của tôi còn thì tu hội và những người cùng sống với tôi không lớn mạnh được. Mặt khác, nếu cái “tôi” được áp dụng đúng nơi đúng chỗ thì sẽ giúp cá nhân triển nở bản thân và thăng tiến cộng đoàn. Khi đó, tôi mới biết sống cảm thông, yêu thương, chia sẻ với mọi người như chính mình và nhận ra được những nét đẹp, điều hay nơi bất cứ ai. Người nào cũng có điểm tốt cho tôi học hỏi, và giúp tôi hoàn thiện bản thân: Người yêu thương cho tôi sự ấm áp, cảm kích và trân trọng, người không tốt với tôi cũng là đang giúp tôi trưởng thành, cho tôi những bài học vô cùng bổ ích. Cảm ơn người làm tổn thương tôi, bởi vì họ đã thanh luyện ý chí của tôi. Cảm ơn người lừa dối tôi, bởi vì họ đã tăng thêm kiến thức và sự hiểu biết cho tôi. Cảm ơn người bỏ rơi tôi, bởi vì họ đã dạy cho tôi biết thích ứng với sự tự lập. Cảm ơn người làm tôi trượt ngã, bởi vì họ đã giúp năng lực của tôi thêm mạnh hơn. Cảm ơn người trách cứ tôi, bởi vì họ đã khuyến khích trí tuệ của tôi tăng trưởng lên. Cảm ơn người khinh thường tôi, bởi vì họ đã thức tỉnh sự tôn trọng của tôi.

Tất cả những hạn chế, những điểm yếu của tu hội vẫn tồn tại và nó cần tồn tại để tôi nhìn vào đó đối mặt, thay đổi và vượt qua từng bước một. Biết rằng: Tôi không thể thay đổi được thời tiết nhưng tôi có thể thay đổi được tâm tình của bản thân. Tôi không thể đạt được mọi thứ, không thể thành công mọi lĩnh vực, nhưng tôi có thể tận sức cố gắng trong mọi việc. Tôi không thể biết trước ngày mai, nhưng tôi có thể sử dụng ngày hôm nay một cách thật hữu ích. Tôi không thể thay đổi được toàn bộ xã hội, nhưng tôi có thể thay đổi được bản thân và những người ở bên cạnh mình. Thành công chính là được bắt đầu từ sự cải biến chính mình. Không quan trọng tôi phạm bao nhiêu sai lầm, không quan trọng tôi bước đi chậm chạp đến đâu, tôi vẫn chiến thắng những người không bao giờ biết đến hai từ “cố gắng”. Bốc đồng, nôn nóng, ấu trĩ mà muốn thay đổi cả tu hội thì thật hão huyền. Sự lớn mạnh của tu hội như thế nào phụ thuộc vào việc thay đổi của tôi. Tôi luôn nhắc nhở mình cố gắng sống tốt và cũng mong cho tất cả mọi người trong tu hội đều được an bình, vui tươi. Hai chữ an bình, vui tươi là điều mà tôi tâm nguyện nhất cho mọi thành viên trong nhà. Vì chỉ có bình an, vui tươi thì cuộc sống cộng đoàn mới bớt gánh nặng làm cho nhau buồn lòng, con người dễ xích lại gần nhau và sẵn sàng hy sinh vì nhau. An bình vui tươi khiến con người triển nở khả năng, tình yêu trong tương giao với chính họ, với anh em và qua đó kết hợp sâu sắc với Thiên Chúa. 

Có lần tôi được nghe kể lại rằng: Một nhà dòng nọ, đường hướng đào tạo rất tốt về học thức, ai cũng có bằng đại học trở lên. Chính vì vậy mà dường như tiêu chuẩn đánh giá một tu sĩ nơi đó không nhấn mạnh tới chiều kích thiêng liêng hay sự trưởng thành nhân cách của họ, nhưng chỉ dựa trên bằng cấp, khiến cho các tu sĩ chỉ mải miết đua nhau về bằng cấp. Thiết nghĩ, bằng cấp để làm gì nếu ta không làm giúp anh em được một việc họ nhờ đến? Học thức chắc chắn sẽ trở thành thuốc độc nếu trong con tim của người đó chất chứa đầy những ghanh ghét, ích kỉ và kiêu ngạo. Tôi không có ý so sánh tu hội của mình với các nhà dòng khác. Tôi nhận thấy Thiên Chúa luôn có những phương thế riêng, cách thức riêng cho mỗi một kế hoạch của Ngài qua muôn màu muôn vẻ của các nhà dòng, tu hội. Giả sử nhà dòng nào cũng sống đời chiêm niệm, ẩn tu thì sẽ không có ai đồng hành với nhân loại trong cuộc sống đầy rẫy những lo lắng sự đời; nhà dòng nào cũng hoạt động thì chẳng ai có đủ lắng đọng, thanh khiết tâm hồn giúp con người tìm gặp Chúa trong thâm tâm. Đã có nhiều lúc tôi không tránh khỏi sự mặc cảm là một người tu sĩ mà không bằng một người giáo dân, tôi mặc cảm vì tu hội của tôi đã phục vụ cho mọi người quá ít. Tôi mặc cảm vì người chị em của tôi chẳng hề cố gắng để trau dồi những điều cần thiết để phục vụ Ngài. Thế nhưng, tôi lại nghi vấn chính mình mỗi khi sự tự mãn về bản thân xúc phạm tới quyền năng của Thiên Chúa như vậy. Sự muôn màu muôn vẻ của các nhà dòng một lần nữa cho tôi hiểu về đời sống cộng đoàn, với bao nhiêu sự khác biệt, tư tưởng, nếp sống, nền văn hóa khác nhau làm nên sự hiệp nhất trong yêu thương, trong phục vu, trong hy sinh, trong đón nhận. Nhờ vậy tôi học hỏi được nhiều điều hay điều tốt nơi họ, tôi lớn hơn trên những cái khó, cái khổ của đời sống ấy, cho tôi nhìn nhận chính mình và trân trọng tất cả mọi người kể cả những ai không sống cùng, sống với. 

Tôi đón nhận nhà tôi như nó “là”, cho dù tu hội tôi từng bị lấm lem bởi những vết bụi thành kiến, ngờ vực làm ảnh hưởng không ít tới hiện tại, nhưng tôi hy vọng nó sẽ có một tương lai tươi sáng. Điều ấy không xa sỉ chút nào nếu mỗi người là thành viên như tôi ngày một cố gắng trong chiều kích thiêng liêng, nhân bản; trong cả những chiều kích như phục vụ và tri thức. Tôi biết chính tôi cần phải cố gắng nhiều hơn hết vì con người trong thời đại ngày nay không cần đến những lời giảng dạy, nhưng cần đến một nhân chứng sống. Trước kia, những người tu sĩ càng khép mình lại bao nhiêu trong khuôn khổ của nhà dòng, tu hội, thì sau Công đồng Vaticano II, người tu sĩ luôn được mời gọi cùng với Giáo Hội đi ra khỏi cái vỏ bọc an toàn, được lập trình sẵn, được lo lắng sẵn; đi ra khỏi những tầm nhìn hạn hẹp từ lâu trở thành lỗi thời để đến với hết mọi con người. Trước kia tôi hay tránh né, ngại ngùng và ít khi để lộ ra sự thực về mình với cái tên của một tu hội mới lạ chẳng ai hay biết, thì giờ đây tôi tập để mình phải đối diện với cái liều. Liều cho người ta biết mình là một thành viên trong tu hội. Một tu hội không có tương lai, không có người tài giỏi, không có những cơ sở vật chất hay những bề nổi của các hoạt động tông đồ. Một tu hội chỉ có những ngôi nhà bình thường, những con người bình thường, những công việc bình thường nhưng tất cả đều có lòng khao khát theo Chúa. Do đó, phải rất can đảm mới dám sống là mình, như ai đó đã điễn tả tâm tình này khi nói rằng: 

“Cười là dám liều để lộ ra mình hạnh phúc 

Khóc là liều tỏ ra mình yếu đuối 

Đến với tha nhân là liều bị sa lầy tình cảm 

Bày tỏ tình cảm là liều lộ ra cái tôi sâu thẳm 

Chia sẻ ý tưởng, giấc mơ cho người khác là liều để chúng bị mất đi 

Yêu là liều chấp nhận mất mát, và cũng là liều nếu không được yêu lại 

Sống là liều bị chết 

Hy vọng là liều bị thất vọng 

Hành động là liều có thể bị thất bại” 

Tôi liều cho người ta biết mình là thành viên của một tu hội “xấu” như thế trong mắt người đời. Tôi hứng nhận những dị nghị, định kiến không hay, không tốt từ bao đời. Cùng với chị em, chúng tôi chẳng làm gì nên tội, nhưng xin liều đón nhận tất cả như ý muốn của Thiên Chúa. Ở bất cứ xã hội nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu, thì sứ mệnh của con người vẫn thế. Và đối với những xã hội mà trong đó còn đầy rẫy sự bất thường thì kéo theo sự vô minh của cái đầu, vô cảm của trái tim đang bao trùm. Con người thường chê trách nơi mình đang sống, nhưng ít ai tự nhìn lại xem bản thân mình đã làm gì để cho nơi ấy trở nên tốt đẹp như điều mình nghĩ. Người lo nói thì nhiều, người lo hành động vì cộng đoàn, vì xã hội thì ít. Không bàn tới cái “liều” thiếu suy xét của những người bất bình thường. Thiết nghĩ, trong cuộc sống của tôi cũng nên có một chút liều lĩnh như thế. 

Liệu con người có khả năng kiên định, bền vững mãi trước những biến động của cuộc sống? Câu trả lời tùy thuộc vào tôi. Tỉ lệ gắn bó giữa tôi với tu hội của mình lúc thịnh, lúc suy không luôn được bảo đảm. Mặc dù, tôi nói tôi yêu mến tu hội, nhưng lòng yêu mến đó có thắt chặt tinh thần, con người tôi với cộng đoàn hay không lại là chuyện khác. Có thể lời nói chỉ là sự nhất thời khi tôi được tu hội bảo đảm đủ về mọi phương diện mà thôi. Bởi thế, dù sống trong bất cứ cộng đoàn tu trì nào, theo Chúa cũng là cả một quá trình đánh đổi, tẩy rửa con người hoàn toàn. Giống như để trở thành một doanh nhân thành đạt, người ta phải chấp nhận đánh đổi cả gia đình, tình yêu, bạn bè, thời gian, sức khỏe, thì người theo Chúa phải chấp nhận đánh đổi cái tôi, cả sự tự do, tình yêu, hy sinh mới nhận được thành công trong đời sống tu trì, đặc biệt đời sống cộng đoàn. Đổi tự do để trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, đặt tình yêu và hy sinh lấy tình huynh đệ bền vững, nhất là phơi bày cái tôi để nhìn nhận đúng giá trị của bản thân là điều không hề dễ. Tất cả những thành công và các tác phẩm có giá trị cao trong cuộc sống đều phải trả giá. Ngay cả nơi các thiên tài, thì yếu tố thiên phú cũng vẫn nhỏ hơn so với nỗ lực bản thân. Không ai có thể thành công nếu không chiến thắng sự lười biếng và cuộc sống dễ dãi để can đảm lướt thắng khó khăn và vượt trên những nghịch cảnh. Honoré de Balzac từng nhận định thâm thúy rằng: “Hoàn cảnh khó khăn là nấc thang cho bậc anh tài, là kho báu cho người khôn khéo, nhưng là vực thẳm cho kẻ yếu đuối”. Tôi không chê trách, không ghét tu hội khi mình không có điều kiện lĩnh hội, phát triển như tôi hoàn toàn có thể đạt được nơi những nhà dòng khác. Tôi trân trọng và biết ơn Chúa đã đặt tôi ở nơi này không chỉ vì đây chính là người mẹ thứ hai nuôi nấng, dạy dỗ tôi; cho tôi được đón nhận, được yêu thương, được học hỏi, hiểu biết, và chia sẻ với mọi người, nhưng đây còn là chính ơn gọi mà tôi trân quý, cho dù tương lai tôi không biết trước. Tôi cũng không đảm bảo mạnh miệng mình sẽ là người theo Chúa trọn tới cuối con đường, nhưng xin ơn Chúa giữ gìn tôi và giữ gìn “người mẹ” thiêng thiêng này của tôi theo như ý Ngài muốn. 

Tôi nghĩ hạnh phúc không phải là có tất cả những gì ta muốn, mà là trân trọng những gì ta đang có. Nếu tôi chỉ ngồi đó u sầu hay thương tiếc quá khứ hoặc mải miết chạy theo những gì hư ảo trong tương lai thì không bao giờ tôi thấy mình thực sự hạnh phúc, đầy đủ trong cuộc sống. Nếu tôi lúc nào cũng thấy thiếu thốn, thấy kém cỏi, thấy khiếm khuyết, thì tôi chỉ biết nghĩ tới mình, lo cho mình mà thôi. Bởi vậy, ngoài việc bản thân cố gắng, tôi cần nhận thấy sự đầy đủ và trân trọng cuộc sống của mình, có thế tôi mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự là gì và biết đồng cảm, sẻ chia với thiếu thốn của người khác. Sự quan trọng từng phút giây trong cuộc sống hiện tại sẽ hơn những định kiến trong quá khứ hay tương lai; quan trọng là tôi thấy bình an, hạnh phúc trong chính “ngôi nhà” của mình, mối tương giao tốt đẹp giữa những con người trong “ngôi nhà” đó, chúng tôi sẽ cùng nhau làm gì đó để đối mặt, để vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Tôi tin mọi sự Thiên Chúa làm đều sinh ích cho tôi và tu hội. Tôi đón nhận cái nhìn và sự đánh giá của mọi người về tu hội, dù đúng dù sai, dù chân thành hay móc léo, vì chắc chắn phải có nguyên cớ nào đó khiến họ nhìn nhận tu hội tôi như vậy. Quan niệm của tôi là xấu, sai thì phải nhận và sửa, không biện hộ, không che đậy. 

Tôi rất thích một câu nói của Einstein “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”. Câu nói này nói về trách nhiệm xã hội (trách nhiệm “làm người”) của một người bình thường đối với xã hội hay cộng đồng mà mình đang sống. Một người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường còn có trách nhiệm xã hội như vậy, đối với những người có hiểu biết thì trách nhiệm xã hội còn lớn hơn. Tôi không đặt mình trong vị thế là người có hiểu biết, nhưng tôi đặt mình vào trong hai thái cực trên khi nói đến tu hội của mình qua bài học đề cập tới đời sống các cộng đoàn tu trì tại Việt Nam. Tôi quy trách nhiệm về mình và ước mong điều đó có thể thúc đẩy bản thân đóng góp được chút gì đó sinh ích cho “ngôi nhà nhỏ bé” của mình. “Ngôi nhà” ấy luôn cần đến ơn thánh hóa của Chúa song song với sự đồng hành, cộng tác giúp đỡ, cũng như lời cầu nguyện của tất cả mọi người cho tôi và các thành viên. Để dẫu cho tương lai tu hội có ra sao theo ý muốn Người, tôi vẫn bình an và giữ được lòng yêu mến, biết ơn chân thành nơi tôi đã sống cùng những con người thân thương trong cuộc đời. 

Tu hội và những con người ấy đã từng tiếp cho tôi rất nhiều sức mạnh để vượt qua sự chán nản, ngã lòng qua từng giai đoạn. Phải nói rằng nhờ họ mà tôi vẫn bước đi trong ơn gọi cho tới ngày hôm nay. Biết rằng cuộc đời chỉ như những bông hoa sớm nở chiều tàn, dù bông hoa có hương thơm hay đẹp về nhan sắc, nó cũng không bao giờ thắc mắc tại sao mình lại ở chốn nương cao hay ẩn dưới thung lũng vắng. Hoa dù dẹp hay không hương không sắc vẫn yên bình với ơn gọi của mình; hoa biểu lộ sức sống mãnh liệt chừng nào có thể, vì thế nên hoa không “hối hận” bao giờ. Những bông hoa ví như tu hội và mọi thành viên sống trong đó. Biết rằng họ chỉ là những bụi hoa dại không chút hương, cũng chẳng chút sắc, họ sống trong những vách núi tối tăm, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ hoàn thành sứ mệnh, ơn gọi của mình theo cách tốt nhất. Tôi ước ao mình cũng là một bông hoa đủ mạnh mẽ, can đảm như thế để đương đầu với sương gió, bão táp của cuộc đời và tươi nở nụ cười đón ánh nắng mới. Ơn gọi của “những bông hoa âm thầm”, chỉ có thể nhìn nhận là “đẹp” khi có một ai đó đủ bao dung, đủ cao thượng mà dừng chân đứng ngắm. Chính tôi cũng luôn hy vọng, một ngày nào đó tu hội và các thành viên được chân nhận vì những hy sinh, những cố gắng trong đời thánh hiến của mình. Tôi hy vọng vì “ngày mai trời lại sáng”. 

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

TIẾNG DƯƠNG CẦM



Ngày nào cũng vậy, khi bóng chiều dần nghiêng bên cung thánh, đưa những cánh chim mỏi bay về tổ ấm yêu thương, cũng là lúc tiếng dương cầm quen thuộc của nó bắt đầu cất lên làm cho khoảnh khắc nơi này thêm đẹp thánh thiêng và bình yên đến khó tả. Có lẽ những ca khúc nó yêu thích và chọn chơi cho Chúa mỗi khi chiều về không đơn thuần vì giai điệu đẹp hay ca từ ý nghĩa, mà bởi đó còn là những tâm sự của nó với Đấng mà nó biết chẳng bao giờ có thể hiểu được.
Tiếng dương cầm ấy là tinh hoa từ những công khó, sự kiên trì luyện tập, uốn nắn để các ngón tay của nó đạt tới sự độc lập và khéo léo nhất. Vì không có nhiều thời gian riêng để uốn nắn hàng ngày, nó nghĩ ra phương thế học dương cầm nhờ cách lắng nghe và cảm thụ âm nhạc bằng chính con tim và khối óc, cho đôi tay tự do nhún nhẩy trên không, trên nền đất, trên bàn và thậm chí là trên một tờ giấy nát bươm vẽ chằng chịt những phím đen trắng chẳng rõ quy luật. Cứ thế từng ngày, từng ngày trôi qua, không biết tự khi nào tiếng đàn yếu ớt, méo mó mà nó chuyên dùng thử thách nhân đức “chịu vậy” của người khác giờ đây đã trở nên sắc nét, và tròn đầy. Tiếng đàn không ồn ào, lấn át nhưng vừa thánh thót, lại trầm ấm, nhẹ nhàng len lỏi vào cảm xúc của người nghe sau mỗi chiều viếng Chúa.
Ai cũng biết, ngoại trừ những thiên tài, hầu hết người học dương cầm đều phải đầu tư khá nhiều cả về công sức lẫn thời gian. Bởi thế, con đường nó chọn đến với dương cầm cũng gặp nhiều gian nan, trắc trở giống như sự bấp bênh mà người ta thường nói về ơn gọi của nó vậy.
Nó vui tươi là thế, nhưng đôi lúc hai hàng nước mắt cũng phải rưng rưng khi nghe người ta nói: “Đam mê âm nhạc thì không tốt;Một đứa lúc nào cũng phiêu du với tiếng đàn sẽ biến con người ra đa sầu, đa cảm và không thể lắng đọng tâm hồn được”. Bởi vậy, “sự bền đỗ trong ơn gọi của đứa có tính nghệ sĩ thì không dễ dàng chút nào”. Có lúc, nó bị rơi vào cảm giác làm phiền người khác mỗi khi nhận được cú ngắt lời hay từ chối truyền đạt kiến thức từ những người thầy dạy nhạc cho mình trong mỗi cuộc trò chuyện hỏi thăm. Chẳng ai có thời gian dành cho nó. Nó vẫn biết ơn, quý trọng và cầu nguyện cho tất cả mọi người, nhất là những người đã dẫn mình đến với dương cầm. Nó không bao giờ than thở hay trách móc bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống này.
Nó, bước chân vào Dòng ở độ tuổi còn nhỏ như Thánh Têrêsa Hài Đồng - một cô bé rất xinh xắn, năng động, mang đậm phong cách thời đại của đứa trẻ 9x để rồi tự nguyện ép mình sống theo lề luật, học cách lo lắng mọi sự, làm lấy mọi sự và cố gắng nhận hiểu cả những điều đôi khi vượt xa tầm kiểm soát mà mình ý thức.
Và nó, dần khôn lớn với tiếng đàn ấy, bình an, tươi vui trong những tháng năm dâng hiến đầu đời. Không biết dương cầm trong nguyện đường có từ bao giờ, mà chẳng ai động tới. Có lẽ vì họ không quen chơi thứ nhạc cụ cũ kĩ và phức tạp đến vậy. Nhưng với nó, dương cầm lại là thứ nó gắn bó thân thiết nhất và am hiểu nhất. Nó hiểu, để có âm thanh hay, trước tiên cây đàn phải nhờ đến một bộ máy hoàn hảo. Những âm thanh này được tạo nên bởi sự kết hợp của búa đàn chạm vào dây tạo ra tần số âm thanh dao động trong hộp cộng hưởng và cuối cùng được khuếch đại nhờ bảng cộng hưởng phía sau thùng đàn. Vì thế, dương cầm được nó bảo quản từng li từng tí trong tình trạng tương đối ổn định về những yếu tố dễ gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng âm thanh như độ ẩm, nhiệt độ, và thường xuyên kiểm tra, chỉnh dây định kỳ. Những phím đàn lâu nay bám bụi cũng nhờ có nó dần sáng, sạch hơn. Nó hiểu, với 88 phím đàn là 88 cung bậc cảm xúc, mỗi nốt nhạc của dương cầm là tần số âm thanh lý tưởng nhất đối với đôi tai con người. Điều kì diệu từ những phím đàn của dương cầm chính là yếu tố âm vực rộng nhất và duy nhất đại diện cho toàn bộ âm vực của âm nhạc. Do có âm vực rộng, âm sắc thanh thoát, khả năng biểu hiện phong phú, xử lý cường độ tinh tế, tiếng đàn đã khơi gợi nhiều cảm xúc cho người nghe từ âm thanh du dương như dòng suối, tới dữ dội như bão tố hay trong trẻo như ánh trăng giữa đêm khuya.
Nếu như trên thế gian chỉ có một chiếc dương cầm thì cây đàn ấy sẽ lắng nghe được bao nhiêu câu chuyện thầm kín, bao nhiêu cảm xúc của con người, bao nhiêu bản nhạc trên giấy khoác lên mình sức sống? Những cảm xúc yêu thương, giận hờn đã vỡ òa dưới mỗi bàn tay lướt trên từng phím đàn của người nghệ sĩ. Chính giây phút thăng hoa của cảm xúc đó đã khiến người nghệ sĩ tìm ra câu trả lời cho những băn khoăn bấy lâu của mình rằng: Vì sao cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng âm nhạc luôn song hành cùng cuộc sống? Không cần diễn tả bằng ngôn ngữ nào, nhưng người nghe vẫn có thể cảm nhận được những tâm sự mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm trong đó. Dương cầm như biết kể chuyện, dẫn dắt, mời gọi người ta bước vào ngôi nhà nghệ thuật mà nhìn, mà ngắm, mà lắng nghe, mà thỏa sức bay bổng đến những giá trị nhân văn đích thực. Đó chính là điều kỳ diệu mà chiếc đàn dương cầm mang đến và cũng là lý do mà nhiều người, trong đó có nó phải lòng nhạc cụ này. Nó bất chợt nhận ra một sự thực tuy giản đơn nhưng vô cùng sâu sắc đó là: “Trên thế giới này, mọi thứ quý giá nhất đều miễn phí” , giống như trong tiếng Anh, từ “present - hiện tại” cũng mang nghĩa là “món quà”. Chúng hiện hữu từng thời từng khắc quanh cuộc sống của nó, nó trân trọng giá trị của chúng, trân trọng giá trị của dương cầm và tất cả mọi thứ. Đối với nó hạnh phúc thật gần, bình dị. Hạnh phúc là được tận hưởng những niềm vui từ những khoảnh khắc nhỏ bé không tên, được chung sống, và sẻ chia với mọi người, được nhìn ngắm những bông hoa mới nở, học những môn học mình yêu thích và chơi dương cầm cho Chúa nghe vào mỗi buổi chiều. Thế rồi sự chán chường bắt đầu bủa vây tâm trí nó. Một bên là cái chán của những công việc và con người lúc nào cũng được lập trình sẵn dưới hình thức của lề luật; một bên là tuổi trẻ bồng bột, thích vẫy vùng, khám phá, khiến nó nhiều lần nảy sinh ý định từ bỏ ơn gọi để vươn ra thế giới bên ngoài đầy vẻ hấp dẫn mời chào. Nó muốn bức phá và mong có thể làm gì đó thiết thực cho đời, cho người, không phải vì muốn nổi nang nhưng chỉ là nó thích vậy. Nó nghĩ thế giới bên ngoài sẽ là chốn khơi dậy tiềm năng, phát triển bản thân và thực hiện được hoài bão của bản thân một cách tốt nhất.
Ai lại bảo rằng tiếng đàn du dương của nó sẽ đưa nó thoát ly thực tại đến một thế giới đầy mộng mơ, ảo tưởng? Âm nhạc nói chung và tiếng dương cầm nói riêng, chính là sự phản ánh chân thực cuộc đời nó. Trong thực có ảo, trong ảo hoàn thực. Âm thanh tròn trịa, trong trẻo, thanh khiết nhưng đồng thời cũng trầm ấm, dày dặn, sâu lắng, gắn liền với sự mong manh, dễ vỡ của phận làm người.
Mỗi lần chơi đàn, nó chìm vào thế giới linh thiêng, đẹp đẽ, an bình nào đó mà chỉ chính nó mới cảm nhận được. Tiếng đàn phiêu vượt lên trên mọi nguyên tắc, mọi căn bản cổ điển để thực sự tự do là chính mình, thực sự đặc biệt như chính mình, nó tận hưởng những giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ. Tiếng đàn ấy không còn là thứ âm thanh tầm thường đơn điệu vô tri, mà nó chứa đựng những triết lí sâu xa trong từng giai đoạn, hoàn cảnh của cuộc đời. Và chính do thực sự đam mê giai điệu của chiếc dương cầm, nó mới nhận ra được những thông điệp ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc sống của nó trong từng giai đoạn có những mục đích, mơ ước khác nhau. Và cũng có rất nhiều điều chi phối nó trong từng thời kỳ: Học tập, gia đình, bạn bè, đời tu, tình yêu đôi lứa. Những khoảng thời gian đó trôi qua với bao thăng trầm, nhưng âm nhạc đã giúp nó có đủ sức mạnh để luôn bình tĩnh trước mọi biến đổi của cuộc sống; hàn gắn những vết thương lòng; khơi dậy miền xúc cảm và kỷ niệm; tô màu cho ký ức; vẽ lên những bức họa với đủ các gam màu cuộc sống bằng những phím dương cầm. Những phím trắng giống như những khoảnh khắc vui vẻ hạnh phúc; những phím đen giống như những lúc đau buồn, thất vọng. Nhưng phím đen bao giờ cũng ngắn hơn những phím trắng, cả hai phím đó phải luôn đi cùng nhau mới tạo thành một bản nhạc hoàn chỉnh. Cũng như cuộc sống luôn phải có đủ niềm vui, có đủ nỗi buồn, đủ ưu đãi, đủ thử thách chông gai thì con người mới thực sự khôn lớn và trưởng thành.
Như những người nghệ sĩ đã vượt qua những khó khăn của cơ chế tiếng đàn, nhưng nếu muốn gặt hái được nhiều kết quả của công việc, họ phải tập lại toàn bộ những gì đã học được trong suốt tiến trình dài, kể cả trong tình trạng cảm thấy việc tập luyện rất mệt mỏi, khô khan và mất kiên nhẫn. Như thế, những khó khăn lớn lao sẽ trở nên quen thuộc. Sự xuất sắc và tinh tế trong khả năng rèn luyện của ngươi chơi nhạc cho thấy âm nhạc đỉnh cao luôn có sự đào thải tàn nhẫn, do vậy, người chơi nhạc đôi khi phải trở thành một chiến binh có thần kinh thép. Tình yêu của nó đối với Thiên Chúa cũng thế. Nó chạy đến với Ngài bất kể khi nào, đơn giản chỉ là để cảm ơn vì mới nhận một lời khen; cảm thấy vinh dự trong Ngài vì đã cho tiếng đàn của nó trở thành một phần để làm nên thánh lễ; Thiên Chúa cũng là người để nó trách móc khi bị thầy giáo nhận xét tiếng đàn của mình còn thiếu sức sống, chưa tôn lên vẻ đẹp của phụng vụ. Kể cả những lúc thất vọng, chán chường, mỏi mệt, nó cũng tới chỉ để cho Ngài xem vẻ mặt như cái bánh bao chiều của nó. Nó tới với Ngài như một người bạn thân để tìm kiếm sự bình yên. Sự bình yên trong quan niệm của nó không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, xáo động; không khó khăn, cực nhọc. Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp nó vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim mình. Bình yên chỉ có ở nơi Thiên Chúa.
Có thể nói, một yếu tố không thể thiếu để làm nên tiếng đàn hay đòi hỏi người chơi phải có nhiều sáng tạo. Nhưng bất cứ sự sáng tạo nào cũng là kết quả của trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng là khả năng nhìn xuyên qua cái hiện diện tức thời để thấy cái có thể sẽ xuất hiện. Trí tưởng tượng giúp con người sắp xếp mọi thứ và làm cho những kinh nghiệm có ý nghĩa, đưa con người tiếp xúc với một câu chuyện lớn lao, đó là câu chuyện về Thiên Chúa và giúp họ nhìn thấy mọi sự theo những cách thức khác biệt.
Thiên Chúa dựng nên nó với những nét đặc biệt riêng và một sứ mạng riêng. Nó nhận biết Ngài, đối thoại với Ngài bằng chính ngôn ngữ của của một người nghệ sĩ, ngôn ngữ của con tim. Bản thân nó không thể biết được Thiên Chúa, không thể hiểu về Ngài, không nhìn thấy Ngài, không nghe thấy tiếng Ngài, nhưng chính nó lại cảm nhận được Ngài ở bên nó qua tiếng dương cầm và qua mọi biến cố của đời sống. Chẳng phải xưa kia, Thiên Chúa cũng rất tâm lý và sáng tạo trong cách thế cứu độ nhân loại khi để cho loài người nhận biết dung mạo đích thực của mình qua Người Con là Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người, giống con người về mọi mặt: Cũng đau khổ, cũng phải chịu cám dỗ, cũng yêu thương, cũng vui buồn và đối thoại với họ bằng chính ngôn ngữ của họ? Nó tin Thiên Chúa là thế. Thiên Chúa đối thoại với nó qua nhiều cách thế nơi cuộc sống, Ngài rất gần gũi với nó và hơn cả những gì nó tin vào Ngài.
“Chiều nay như thường lệ, vào đúng giờ đó, Ta chờ con, chờ con đến tâm sự với Ta. Nhưng sao ta không thấy? Trên Thánh giá chân tay Ta tê buốt; trên Thánh giá trái tim Ta đau nhói; trên Thánh giá, những giọt máu bởi mạo gai cắm sâu vào đầu chảy xuống làm cho hàng mi dính chặt cả vào khóe mắt, nhưng đôi mắt mòn mỏi, khắc khoải chờ đợi con vẫn cố gượng lên để mong nhìn thấy hình bóng con dù chỉ qua một kẽ hở nhỏ. Vẫn chỗ ngồi đó, vẫn cây dương cầm đó, sao con không đến? 1 giờ, 2 giờ… Thời gian trôi đi, Ta vẫn đợi, vẫn chờ”.
Cuối cùng nó cũng đến.
Nụ cười méo xệch, cố làm ra vẻ mạnh mẽ, nhưng Ngài thấu hiểu những gì đang diễn ra trong tâm hồn nó.
Nó nhìn Chúa, nước mắt trào…
“Ngài chơi đàn cho con nghe có được không?”
Chiều nay, nó chẳng chơi khúc nhạc nào, chỉ cúi gằm mặt xuống, hai con mắt ướt nhèm nhìn vào đôi bàn tay đặt vô hồn trên những phím trắng đen. Nó thầm xin Thiên Chúa hãy níu giữ đôi tay của nó, níu giữ cả trái tim của nó, vì nó biết nó yếu đuối, nó không đủ mạnh mẽ, đủ kiên trì, đủ tự tin trong ơn gọi nữa. Đôi tay bé bỏng từng nhẹ lướt trên phím dương cầm là niềm vui cho Chúa, giờ đây như muốn nắm lấy bàn tay hay thuộc về trái tim của ai đó mà nó nghĩ sẽ đủ mạnh mẽ, ấm áp hơn sự yêu thương che chở bấy lâu của Ngài.
*   *   *
Ngài ắm lấy nó vào trong lòng, cho nó nghe tiếng “dương cầm” từ trái tim bị đâm thâu, thanh thoát, trầm lắng giai điệu của tình yêu và lòng thương xót. Tiếng ấy vẫn vang vọng trong suốt đời sống của nó như sự đồng hành và sức mạnh động viên nó kiên trì, tin yêu với tiếng Ngài gọi, đặc biệt là thi hành sứ mệnh của một người “dùng nghệ thuật để tôn vinh chính Đấng đã làm nên nghệ thuật”   
Giọt lệ Chúa rơi...